Trường Tiểu học Hùng Thắng có 1006 học sinh. Diện tích khuôn viên trường là 9689 m2 cùng với hơn 200 học sinh ăn bán trú mỗi ngày thì lượng rác thải hữu cơ và vô cơ là vô cùng lớn.
Nhận thức được điều đó, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào phân loại rác, để đúng nơi quy định là các xe, các thùng rác thải hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Rác hữu cơ là các loại rác dễ phân hủy như thức ăn thừa, rau củ quả, trái cây, bã trà, cà phê, cỏ, lá cây,… Những rác thải này sẽ được đem đi chế tạo thành phân bón. Rác vô cơ là những loại rác như nilon, sành sứ, gỗ đá, gạch, chén, đồ nhựa, đồ cao su, đồ sắt, thủy tinh... chúng rất khó phân huỷ. Rác tái chế là những loại rác thải đã qua sử dụng nhưng vẫn còn có khả năng tái chế được để tạo thành các đồ vật khác, có ích cho cuộc sống của con người.
Bà Vũ Thị My- Phó hiệu trưởng cho biết: “Để góp phần bảo vệ môi trường, trước hết mỗi cán bộ giáo viên, công nhân viên trường Tiểu học Hùng Thắng cần nêu gương và tuyên truyền đến các em học sinh hạn chế sử dụng vật dụng được làm bằng nilon,tăng cường sử dụng những vật liệu có tính tái chế và sử dụng được nhiều lần. Liên đội phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em học sinh biết cách phân biệt rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế, vừa làm sạch môi trường, giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, vừa có nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Với rác thải hữu cơ, người dân cho vào thùng nhựa hoặc hố đất, tưới men vi sinh ủ làm phân bón cho cây trồng. Rác vô cơ sau khi sử dụng không thể tái chế được và khi đó sẽ mang đến khu chôn lấp rác thải. Còn các loại rác tái chế được như vỏ chai nhựa, lon bia,… xếp gọn để bán phế liệu”.
Hy vọng rằng phong trào phân loại rác, để đúng nơi quy định không những giúp cho học sinh trường Tiểu học Hùng Thắng hiểu ích lợi của việc làm mà còn lan tỏa đến các hộ gia đình ở các địa bàn dân cư tự giác tham gia. Từ đó, nâng cao ý thức và nhận thức của mỗi cá nhân với môi trường sống xung quanh.